Từ xưa đến nay, nếu nền văn hóa phương Tây có 12 cung hoàng đạo, thì người phương Đông lại sử dụng 12 con giáp như là một trong những hệ đếm phổ biến và quan trọng bậc nhất.

Cùng với ngày, tháng, năm và múi giờ theo chuẩn quốc tế, người Việt Nam còn sử dụng 12 con giáp để tạo nên lịch âm. Vậy 12 con giáp bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa gì trong đời sống của chúng ta?

Nguồn gốc ra đời

Khi đặt ra vấn đề về nguồn gốc của 12 con giáp, nhiều ý kiến cho rằng những gì liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh đều xuất phát từ Trung Quốc, vì vậy xuất xứ của 12 con giáp cũng từ đây mà ra. Tuy nhiên, trong một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông đã bất ngờ phát hiện ra nguồn gốc 12 con giáp có xuất xứ từ Việt Nam.

Trải qua hơn 2000 năm giao thoa văn hóa liên tiếp và chồng chất lên nhau giữa Việt Nam và Trung Hoa, những dấu hiệu nhận biết nét riêng của từng dân tộc đã không còn quá rõ ràng. Chưa kể, các tài liệu xưa không còn nhiều, nếu có cũng viết bằng chữ Hán cổ rất khó đọc và dịch thuật, gây khá nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn cố gắng tìm tòi cho bằng được những bí ẩn ngôn ngữ của tổ tiên mà theo họ, đó là những "lá bùa" mà con cháu cần tìm lời giải.

Trong quá trình nghiên cứu, ông Thông đã phát hiện ra một số từ Việt cổ mà người Việt đã dùng để chỉ 12 con giáp có nguồn gốc lâu đời trước khi 12 con giáp xuất hiện ở Trung Hoa.

"Tìm hiểu về gốc của tên 12 con giáp là cơ hội để ta tìm về cội nguồn tiếng Việt. 12 con giáp theo thứ tự là Tý/Tử, Sửu, Dần, Mão/Mẹo, Thìn/Thần, Tỵ, Ngọ, Mùi/ Vị, Thân/Khôi, Dậu, Tuất, Hợi. Thoạt nhìn thì thập nhị chi trên có vẻ bắt nguồn từ Trung Quốc vì là những từ Hán Việt, nhưng khi phân tách các tiếng Việt, và thấy có những khác lạ, tôi đem so sánh trong hệ thống ngôn ngữ vay mượn thì thật sự không phải vậy" – ông cho biết.

Theo ông, nếu đọc theo tiếng Bắc Kinh, tên 12 con giáp lần lượt phiên âm như sau: zi, chou, yín, măo, chén, sì, wè, wèi, shèn, yòu, xù, hài… hoàn toàn không liên hệ đến cách gọi tên 12 con giáp trong tiếng Trung Quốc hiện nay, ngay cả khi sử dụng âm Trung Quốc thời Thượng Cổ. Vì vậy nếu có một dân tộc nào đó dùng tên 12 con thú tương tự như tên 12 con giáp ngày nay thì dân tộc đó phải có liên hệ khắng khít với nguồn gốc tên 12 con giáp này.

Ông cũng cho rằng chỉ có dân tộc Việt mới dùng mèo cho chi Mão bởi nguyên âm e hay iê là các dạng cổ đơn của a như vẽ/họa, keo/giáo, beo/báo….Và mèo cũng là loài vật gắn liền với đời sống của người Việt Nam chúng ta – Khác với Trung Quốc, khi họ sử dụng thỏ thay cho mèo.

Vì những lý do trên cùng với nhiều bằng chứng cụ thể khác, ông khẳng định rằng 12 con giáp được bắt nguồn từ Việt Nam, sau đó mới được lưu truyền sang Trung Quốc và những nước phương Đông khác.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc tại sao nguồn gốc của 12 con giáp lại bị "lọt" vào tay người láng giềng phương Bắc, ông Thông cho rằng: "Với ảnh hưởng quan trọng của nền văn hoá Trung Quốc, từ đời Hán và sau đó là Đường, Tống... với sức ép của giai cấp thống trị từ phương Bắc tên 12 con vật tổ đã từ từ được thay thế bằng hình ảnh con người, mang nặng màu sắc văn hoá Trung Hoa hơn. Từ tính chất cụ thể của các loài vật láng giềng, 12 con giáp đã trở nên trừu tượng và còn ảnh hưởng đến vận mạng con người nữa (bói toán). Tuy nhiên, cái vỏ hào nhoáng của chữ Hán, Hán Việt không thể thay đổi được nền văn hoá bình dân (khẩu ngữ) trong đời sống người Việt".

Ý nghĩa của việc sử dụng12 con giáp

Tương truyền từ thời xa xưa, khi con người chưa xác định cụ thể được thời gian, thì họ đã lấy mặt trời làm chuẩn cho một ngày lao động: "mặt trời mọc thì làm, lặn thì nghỉ". Nhưng trong trường hợp thời tiết xấu, con người không biết dựa vào đâu để làm việc, vì vậy ông cha ta đã tạo ra Thập can gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và Thập nhị chi gồm Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi để tính thời gian. Một ngày chia làm 12 giờ ( vì 1 giờ âm lịch bằng 2 giờ dương lịch) với một chi sẽ đại diện cho một giờ, kết hợp với thiên can để tính năm như: Mậu Dần, Canh Thân, Bính Thìn... Ngoài ra, thập can và thập nhi chi phối hợp với nhau để sinh ra Lục thập hoa giáp (chu kỳ 60 năm gọi là Nguyên).

Việc tính giờ theo can chi cũng phần nào liên quan đếntập tính của các con vật. Từ đây cũng có thể biết được khái quát tính cách của một người thông qua tuổi của họ.

Tý (23-1 giờ):Lúc chuột đang hoạt động mạnh. Người mang tuổi Tý rất duyên dáng và hấp dẫn người khác phái. Tuy nhiên, họ rất sợ ánh sáng và tiếng động. Người mang tuổi này rất tích cực và năng động nhưng họ cũng thường gặp lắm chuyện vặt vãnh. Người mang tuổi Tý cũng có mặt mạnh vì nếu Chuột xuất hiện có nghĩa là phải có lúa trong bồ.

Sửu (1-3 giờ):Lúc trâu đang nhai lại, chuẩn bị đi cày. Trâu tượng trưng cho sự siêng năng và lòng kiên nhẫn. Năm này có tiến triển vững vàng nhưng chậm và một sức mạnh bền bỉ; người mang tuổi Sửu thường có tính cách thích hợp để trở thành một nhà khoa học. Trâu biểu tượng cho mùa Xuân và nông nghiệp vì gắn liền với cái cày và thích đầm mình trong bùn. Người mang tuổi này thường điềm tĩnh và rất kiên định nhưng rất bướng bỉnh.

Dần (3-5 giờ):Khi cọp trở về hang sau khi đi rình mò trong đêm. Những người mang tuổi hổ thường rất dễ nổi giận, thiếu lập trường nhưng họ có thể rất mềm mỏng và xoay chuyển cá tính cho thích nghi với hoàn cảnh. Hổ là chúa tể rừng xanh, thường sống về đêm và gợi lên những hình ảnh về bóng đen và giông tố.

Mão (5-7 giờ):Mèo tượng trưng cho những người ăn nói nhẹ nhàng, nhiều tài năng, nhiều tham vọng và sẽ thành công trên con đường học vấn. Họ rất xung khắc với người tuổi Tý. Người tuổi Mão có tinh thần mềm dẻo, tính kiên nhẫn và biết chờ thời cơ trước khi hành động.

Thìn (7-9 giờ):Lúc đàn rồng quây mưa (quần long hành vũ). Rồng chỉ là con vật do con người tưởng tượng ra, chứ không có thực. Con rồng trong huyền thoại của người phương Đông là tính Dương của vũ trụ, biểu tượng uy quyền hoàng gia. Theo đó, rồng hiện diện ở khắp mọi nơi, dưới nước, trên mặt đất và không trung. Rồng là biểu tượng của nước và là dấu hiệu thuận lợi cho nông nghiệp. Người tuổi Rồng rất trung thực, năng nổ nhưng rất nóng tính và bướng bỉnh. Họ là biểu tượng của quyền lực, sự giàu có, thịnh vượng và của hoàng tộc.

Tỵ (9-11 giờ):Lúc rắn không hại người. Người tuổi rắn nói ít nhưng rất thông thái. Họ thích hợp với vùng đất ẩm ướt. Rắn tượng trưng cho sự tiến hóa vĩnh cửu của tuổi tác và sự kế vị, sự phân hủy và sự nối tiếp các thế hệ của nhân loại. Người tuổi rắn rất điềm tĩnh, hiền lành, sâu sắc và cảm thông nhưng thỉnh thoảng cũng hay nổi giận. Họ rất kiên quyết và cố chấp.

Ngọ (11-13 giờ):Ngựa có dương tính cao. Người tuổi Ngọ thường ăn nói dịu dàng, thoải mái và rộng lượng. Do đó, họ dễ được nhiều người mến chuộng nhưng họ ít khi nghe lời khuyên can. Người tuổi này thường có tính khí rất nóng nảy. Tốc độ chạy của ngựa làm người ta liên tưởng đến mặt trời rọi đến trái đất hàng ngày. Trong thần thoại, mặt trời được cho là liên quan đến những con ngựa đang nổi cơn cuồng nộ. Tuổi này thường được cho là có tính thanh sạch, cao quý và thông thái. Người tuổi này thường được quý trọng do thông minh, mạnh mẽ và đầy thân ái tình người.

Mùi (13-15 giờ):Lúc dê ăn cỏ không ảnh hưởng tới việc cây cỏ mọc lại. Người mang tuổi Mùi thường rất điềm tĩnh nhưng nhút nhát, rất khiêm tốn nhưng không có lập trường. Họ ăn nói rất vụng về, vì thế họ không thể là người bán hàng giỏi nhưng họ rất cảm thương người hoạn nạn và thường hay giúp đỡ mọi người. Họ thường có lợi thế vì tính tốt bụng và nhút nhát tự nhiên của họ.

Thân (15-17 giờ):Lúc khỉ thích hú. Người tuổi Thân thường là một nhân tài có tính cách thất thường. Họ rất tài ba và khéo léo trong các vụ giao dịch tiền bạc. Người tuổi này thường rất vui vẻ, khéo tay, tò mò và nhiều sáng kiến, nhưng họ lại nói quá nhiều nên dễ bị người khác xem thường và khinh ghét. Khuyết điểm của họ nằm trong tính khí thất thường và không nhất quán.

Dậu (17-19 giờ):Lúc gà bắt đầu lên chuồng. Năm Dậu tượng trưng cho một giai đoạn hoạt động lao động cần cù siêng năng vì gà phải bận rộn từ sáng đến tối. Cái mào của nó là một dấu hiệu của sự cực kỳ thông minh và một trí tuệ bác học. Người sinh vào năm Dậu được xem là người có tư duy sâu sắc. Đồng thời, gà được coi là sự bảo vệ chống lại lửa. Người sinh vào năm Dậu thường kiếm sống nhờ kinh doanh nhỏ, làm ăn cần cù như "một chú gà bới đất tìm sâu."

Tuất (19-21 giờ):Lúc chó phải tỉnh táo để trông nhà. Năm Tuất cho biết một tương lai thịnh vượng. Trên khắp thế giới, chó được dùng để giữ nhà chống lại những kẻ xâm nhập. Những cặp chó đá thường được đặt hai bên cổng làng để bảo vệ. Năm Tuất được tin là năm rất an toàn.

Hợi (21-23 giờ):Lúc lợn ngủ say nhất.Lợn tượng trưng cho sự giàu có vì loài lợn rừng thường làm hang trong những khu rừng. Người tuổi Hợi rất hào hiệp, galăng, tốt bụng và dũng cảm nhưng thường rất bướng bỉnh, nóng tính nhưng siêng năng và chịu lắng nghe.

Ngày nay, song song với việc sử dụng lịch dương nhằm trùng khớp nhịp độ sản xuất với thị trường thế giới, Việt Nam vẫn đang sử dụng 12 con giáp để phục vụ cho nhiều mục đích quan trọng như tính tuổi, xem ngày tháng tốt để làm những việc lớn như cưới hỏi, làm nhà, khai trương... Khoan đề cập đến những mặt lợi và hại mà lịch âm mang lại - thì 12 con giáp có thể được coi như là một di sản văn hóa phi vật thể đã được ông cha ta lưu truyền qua nhiều đời. Và chúng ta cần thiết phải bảo tồn nét văn hóa độc đáo này trước khi nó bị "lãng quên" trong quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.